Tìm kiếm

Tìm Huỷ


Hiểu xuyên ngành


Sáng ngày 11 tháng 4 năm 2023, tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã tổ chức buổi tọa đàm học thuật mang tên “Hiểu xuyên ngành”. Buổi tọa đàm do PGS.TS. Hồ Sơn Đài, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ chủ trì cùng với sự tham gia của khoảng hơn 20 cán bộ, viên chức của Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ và các giảng viên đến từ nhiều chương trình khác nhau của trường Đại học Thủ Dầu Một

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Hồ Sơn Đài cho biết chủ đề của buổi tọa đàm “Hiểu xuyên ngành” là sự tiếp nối của buổi tọa đàm “Nhà nghiên cứu xuyên ngành chuẩn” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ tổ chức.vào ngày 22 tháng 3 năm 2023. Hiện nay đã có một số đề tài nghiên cứu khoa học của trường Đại học Thủ Dầu Một đã áp dụng phương pháp nghiên cứu xuyên ngành và đã thu được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành và áp dụng vào thực tiễn của từng đề tài cần có sự trao đổi thường xuyên giữa những người làm khoa học. Vì vậy, thông qua buổi tọa đàm này, Viện nghiên cứu Đông Nam Bộ mong muốn mang đến cho các nhà nghiên cứu khoa học, những người đã và đang áp dụng phương pháp này trong công trình nghiên cứu của mình, một sự thấu hiểu mang tính toàn diện về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành.

Trình bày tại buổi tọa đàm, GS.TS. Bùi Thế Cường cho rằng để hiểu về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành trước hết cần phải làm rõ các đặc trưng của một nghiên cứu mang tính xuyên ngành. Theo đó, một nghiên cứu xuyên ngành chuẩn bao gồm bảy đặc trưng là: (1) Tích hợp tri thức, vượt mọi ranh giới bộ môn; (2) Bao hàm nghiên cứu đa ngành và liên ngành; (3) Có người không hàn lâm tham gia trong toàn quá trình; (4) Tập trung vào những tình huống hay vấn đề trong thế giới thực, đặc thù, phức thể, có ý nghĩa xã hội; (5) Làm để thay đổi căn bản, không chỉ để hiểu biết vấn đề mà còn giải quyết nó; (6) Định hướng cải thiện xã hội, đời sống và phẩm giá con người và (7) Phản tư (xem xét có ý thức bối cảnh rộng hơn, bảo đảm sự tương thích của mọi thành tố và mọi nhiệm vụ của dự án trong toàn bộ quá trình thực hiện). Bên cạnh việc chỉ ra các đặc trưng của một nghiên cứu xuyên nhành chuẩn, GS.TS. Bùi Thế Cường cũng nhắc lại các đặc trưng của một nhà nghiên cứu xuyên ngành, đó là: (1) Tò mò với những lĩnh vực khác, với thế giới thực; (2) Cam kết với mục tiêu cải thiện tình hình/vấn đề; (3) Nhận thức phê phán; (4) Sáng tạo; (5) Giao tiếp và (6) Sẵn sàng kết nối.

Lấy ví dụ về việc xây dựng nghị định hương ước cho các làng nông thôn hiện nay, GS.TS. Bùi Thế Cường cho rằng việc xây dựng nghị định hương ước không chỉ là câu chuyện của giới nghiên cứu mà cần có sự tham dự của các bên liên quan khác như: các trưởng thôn, các lãnh đạo quản lý ở cơ sở và người dân. Vì chính họ là người người hiểu về hiệu lực, hiệu quả hương ước nhất, và từ thực tiễn họ sẽ có những đóng góp hay. Do đó, để thực hiện được một đề tài xuyên ngành, cần có sự đồng hành giữa phương pháp và tinh thần xuyên ngành.

Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Hồ Sơn Đài đã đúc kết lại toàn bộ nội dung của buổi tọa đàm và hi vọng buổi tọa đàm đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành, cách để áp dụng phương pháp nghiên cứu xuyên ngành vào một đề tài nghiên cứu khoa học.

PGS.TS. Hồ Sơn Đài phát biểu khai mạc tọa đàm

GS.TS. Bùi Thế Cường trao đổi về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành

Ths. Nguyễn Thanh Tùng trình bày ví dụ áp dụng thực tế phương pháp nghiên cứu

 xuyên ngành vào đề tài nghiên cứu khoa học

Tin, ảnh: Quang Huy