Tìm kiếm

Tìm Huỷ


Nhà nghiên cứu xuyên ngành chuẩn


Ngày 22/02/2023, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nhà nghiên cứu xuyên ngành chuẩn” do GS.TS. Bùi Thế Cường chủ trì.

Chủ đề tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều CB-GV thuộc nhiều nhóm ngành (kinh tế, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật công nghệ) quan tâm đến phương pháp nghiên cứu xuyên ngành, và những đặc tính của một nhà nghiên cứu xuyên ngành chuẩn.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, GS.TS Bùi Thế Cường đã trình bày khái quát những nội dung chính của khái niệm, lý thuyết, phương pháp nghiên cứu xuyên ngành, và các hướng nghiên cứu và đào tạo xuyên ngành ở trường ĐH Thủ Dầu Một. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành trong nhiều năm, GS.TS Bùi Thế Cường cho rằng, nghiên cứu xuyên ngành vượt qua ranh giới giữa các bộ môn và giữa khoa học với các lĩnh vực xã hội khác, bao gồm sự thảo luận về các sự kiện, thực tiễn và giá trị thực tế trong thế giới thực cũng như trong cộng đồng khoa học. GS cũng giới thiệu về các đặc trưng của nghiên cứu xuyên ngành là: (1) nhấn mạnh sự thống nhất tri thức mang tính lý thuyết và nỗ lực vươn lên mọi ranh giới bộ môn; (2) bao hàm nghiên cứu hàn lâm đa ngành và liên ngành; (3) bao gồm các tác nhân xã hội (không hàn lâm) là những người tham gia trong toàn quá trình; (4) nhấn mạnh vào những tình huống hay vấn đề trong thế giới thực, đặc thù phức thể, có ý nghĩa xã hội; (5) sự chuyển biến, tức là vượt khỏi sự tập trung vào các vấn đề của thế giới thực để hỗ trợ tích cực cho hành động hay can thiệp; (6) định hướng vào “common good” (cải thiện xã hội, đời sống và phẩm giá cao người); (7) phản tư (xem xét có ý thức bối cảnh rộng hơn, bảo đảm sự tương thích của mọi thành tố và nhiệm vụ của dự án trong toàn bộ quá trình thực hiện).

Để xây dựng “hình ảnh” nhà nghiên cứu xuyên ngành chuẩn, GS.TS Bùi Thế Cường cho rằng, nhà nghiên cứu xuyên ngành cần có những tính cách như: Tò mò (Curiosity) với những lĩnh vực khác, với thế giới thực; Cam kết (Commitment) cải thiện tình hình/ vấn đề; Nhận thức phê phán (Critical awareness); Sáng tạo (Creativity); Giao tiếp (Communication); Sẵn sàng kết nối (Connectedness). “Đối với người làm nghiên cứu xuyên ngành, không phải chỉ cần kỹ năng, kỹ thuật, mà cần “kiểu” con người mang phẩm chất đặc trưng của người nghiên cứu xuyên ngành. Nhưng không phải ai sinh ra cũng có phẩm chất xuyên ngành, mà cần phải tìm hiểu, học tập và trau dồi tri thức, phương pháp và kỹ năng. Do đó, học và thực hành, hợp tác và học hỏi nhau đóng vai trò quan trọng để bổ sung, thay đổi tính cách phù hợp với phương pháp nghiên cứu xuyên ngành. Qua đó cùng nhau xây dựng cộng đồng, thể chế, văn hóa trong nghiên cứu xuyên ngành” – GS Bùi Thế Cường nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu, nhà nghiên cứu cũng đã dành thời gian trao đổi với GS.TS Bùi Thế Cường về việc ứng dụng phương pháp nghiên cứu xuyên trong các nghiên cứu thuộc khối ngành khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, khoa học môi trường,…

Chủ đề tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều CB-GV thuộc nhiều nhóm ngành (kinh tế, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật công nghệ) quan tâm đến phương pháp nghiên cứu xuyên ngành, và những đặc tính của một nhà nghiên cứu xuyên ngành chuẩn

 

GS.TS Bùi Thế Cường trao đổi về phương pháp nghiên cứu xuyên ngành, cùng những tính cách cần có

của một nhà nghiên cứu xuyên ngành

BBT trường Đại học Thủ Dầu Một