Tìm kiếm

Tìm Huỷ


TÍN CHỈ Carbon...


Đà Nẵng: Startup giới thiệu nền tảng công nghệ giao dịch tín chỉ Carbon

14:25 02/10/2023

Dự án Excarbon vừa chính thức ra mắt tại sự kiện Khởi Nghiệp Đà Nẵng SURF 2023, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hình thành thị trường tín chỉ Carbon tự nguyện thông qua công nghệ chuỗi khối Blockchain

Đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, ExCarbon ra đời với sứ mệnh cung cấp giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả cho thị trường giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện. Giải pháp sử dụng Non-Fungible Token (NFT) trong công nghệ chuỗi khối (blockchain) được áp dụng để mã hóa và ghi nhận mỗi tín chỉ carbon, tạo nên một hệ thống không thể xâm phạm về nguồn gốc và lượng tín chỉ carbon tương ứng.

nlntv-1-1696238761.jpg

Không gian ra mắt dự án ExCarbon tại Đà Nẵng (Ảnh: Đức Anh)

Vậy tín chỉ Carbon là gì: Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Tín chỉ carbon được xem là mặt hàng mới, được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính. Bán tín chỉ carbon thực chất là 'bán không khí thu tiền thật". Trong những năm qua, các Founder của ExCarbon đã tìm hiểu, nghiên cứu và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng ý tưởng, tìm ra giải pháp kết hợp giữa công nghệ và tinh thần cộng đồng và cho ra đời dự án Excarbon vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon công nghệ chuỗi khối Blockchain và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Thông qua sàn giao dịch này là các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

nlntv-anh2-1696238871.jpg

Giao diện ExCarbon của sàn giao dịch Carbon tại Đà Nẵng (Ảnh: Đức Anh)

Với việc ra đời dự án Excarbon theo Cơ chế phát triển bền vững dự án sẽ mang lại doanh thu từ tín chỉ carbon, bên cạnh các lợi ích cho cộng đồng và góp phần hiện thực hóa các văn bản chính sách về bảo vệ môi trường và các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ôzôn. Đồng thời, ExCarbon cũng tập trung vào việc xây dựng cộng đồng quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để mọi người có thể chia sẻ những thông tin, ý tưởng và giải pháp trong lĩnh vực này trên trang web chính thức của dự án là: https://excarbon.co/, giao diện ExCarbon thân thiện, tiện ích dễ giao dịch.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hội thảo về đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028.

Với dự án Excarbon, Startup Đà Nẵng đề xuất thí điểm sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng và khu vực Miền Trung. Nội dung thực hiện bao gồm việc xây dựng quy chế vận hành, các cơ chế mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong nước và quốc tế để phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

anh-3-1696219691.jpg

Các loại dự án có thể phát hành tín chỉ Carbon

Theo đó, các đối tượng tham gia vào thị trường sàn giao dịch carbon được quy định như: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do nhà nước và chính phủ ban hành; Các đơn vị tham gia vào thị trường cần thực hiện theo cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là nước thành viên; Các cá nhân và tổ chức có liên quan đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính hay tín chỉ carbon trên thị trường.

Dự án Excarbon ra đời với đề xuất của Startup Đà Nẵng thí điểm sàn giao dịch tín chỉ Carbon giúp các chủ thể dễ dàng mua bán các tín chỉ các - bon trên sàn giúp các doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, khuyến khích các doanh nghiệp phát thải ít và không ngừng đổi mới công nghệ hơn nữa. Từ đó, hướng đến nền kinh tế xanh, đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, sàn giao dịch tín chỉ Carbon tập trung này cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý tốt được các giao dịch mua bán tín chỉ Carbon, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, quản lý, đề ra các mục tiêu, kế hoạch về triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, việc vận hành thị trường carbon còn đối mặt với rất nhiều thách thức như: Việc theo dõi, giám sát và báo cáo tiến trình trao đổi, mua bán tín chỉ carbon cần kỹ thuật khá phức tạp; Chính phủ cần có quy định rõ ràng về những ngành nghề nào phải tham gia vào thị trường; đồng thời cần có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo kết nối tốt giữa các doanh nghiệp.

 Vũ Hà